Một trong những hình thức bổ sung vốn đầu tư thường được các công ty FDI áp dụng là tiếp cận và sử dụng vốn vay từ công ty mẹ ở nước ngoài. Mặc dù hầu hết các các doanh nghiệp FDI đã thực hiện đúng các quy định về vay và trả nợ vay từ nước ngoài, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ, thực hiện sai quy định dẫn tới một số thiệt hại đáng tiếc.
Dựa trên kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh do không thực hiện đúng quy định, chúng tôi xin tóm lược một số lưu ý mà bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần tuân thủ khi vay và trả nợ vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.
Khoản vay không cần đăng ký với Ngân hàng Nhà nước
- Khoản vay ngắn hạn nước ngoài có thời hạn vay không quá 1 năm.
- Khoản vay trung, dài hạn dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm.
Khoản vay cần đăng ký với Ngân hàng Nhà nước
- Khoản vay ngắn hạn được gia hạn với tổng thời hạn trên 1 năm hoặc không được gia hạn nhưng vẫn còn dư nợ gốc sau 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 1 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
- Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài với thời hạn vay trên 1 năm.
Tài khoản nhận tiền vay
- Nếu là khoản vay trung, dài hạn thì phải được chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp (“DICA”), sau đó từ DICA giải ngân vào tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để chi trả cho các mục đích vay.
- Nếu là khoản vay ngắn hạn thì có thể được chuyển vào DICA tương tự như trường hợp nêu trên hoặc tài khoản vay (không phải DICA) của doanh nghiệp mà tài khoản này chỉ sử dụng cho mục đích nhận tiền vay và trả nợ vay liên quan đến các khoản vay ngắn hạn nước ngoài. Mỗi khoản vay ngắn hạn chỉ được thực hiện thông qua một ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Bên đi vay có thể dùng một tài khoản cho một hoặc nhiều khoản vay ngắn hạn nước ngoài.
Trình tự thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước
- Bước 1: Bên đi vay gửi hồ sơ đến cơ quan xác nhận đăng ký khoản vay trong thời hạn 30 ngày kể từ:
- Ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn
- Ngày ký thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với khoản vay tự vay tự trả ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 1 năm.
- Ngày tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.
- Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay trong thời hạn:
- 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay, hoặc
- 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay
- 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay đối với trường hợp khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định pháp luật hiện hành về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh
Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký khoản vay, cơ quan có thẩm quyền có văn bản nêu rõ lý do
Nguồn: Nghị định 219/2013/NĐ-CP, Thông tư 03/2016/TT-NHNN, Thông tư 19/2019/TT-NHNN
Linh Trieu